Xu hướng tương tác bằng bình luận đang được nhiều thương hiệu ưa chuộng, nở rộ xu hướng “embracing messiness” trên mạng xã hội
Trong thời đại số hóa, internet đang trở thành một guồng quay không ngừng của nhiều xu hướng lớn nhỏ khác nhau. Theo báo cáo, cứ bốn người dùng internet thì có một người cảm thấy quá tải bởi không gian kỹ thuật số mà họ tham gia. Mạng xã hội, từ chỗ là nơi nâng cao chất lượng cuộc sống, giờ đây lại khiến nhiều người kiệt sức. Tuy nhiên, một nhóm khán giả mới đang nổi lên với quyết tâm tái định nghĩa niềm vui trên các nền tảng này.
Trong báo cáo Think Forward 2025: The Liveable Web của We Are Social, người dùng mạng xã hội đang dần từ bỏ áp lực từ xu hướng nội dung nhanh, chu kỳ trào lưu thay đổi chóng mặt và những mục tiêu khó đạt được. Họ hướng tới một môi trường trực tuyến nơi niềm vui không bị ràng buộc bởi tiến bộ, ưu tiên sự tiêu thụ chậm rãi và cuộc sống “lộn xộn” nhưng chân thực.
Dưới đây là năm xu hướng chính mà các thương hiệu có thể tận dụng để chiếm lĩnh không gian mạng vào năm 2025.
1. Nở rộ xu hướng “embracing messiness”
Sau nhiều năm bị chi phối bởi văn hóa sạch sẽ và sự kiềm chế cảm xúc, năm 2024 đã chứng kiến sự trỗi dậy của xu hướng “embracing messiness” – tôn vinh sự hỗn loạn và chân thực. Một ví dụ nổi bật là trào lưu “Brat Summer”, lấy cảm hứng từ album Brat của Charli XCX, biểu tượng cho tinh thần nổi loạn đối lập với chuẩn mực “clean girl” thanh lịch từng thịnh hành trên TikTok. Trào lưu này khuyến khích giới trẻ tìm kiếm sự tự do và hình ảnh nữ tính mới, không gò bó trong khuôn khổ. Đây không chỉ là phản ứng với các xu hướng cũ mà còn thể hiện khát khao bứt phá, sống chân thật hơn trong một thế giới đầy áp lực.
Các thương hiệu cũng nhanh chóng nắm bắt xu hướng này để kết nối với thế hệ trẻ. Điển hình là Calvin Klein với chiến dịch quảng cáo cùng diễn viên Jeremy Allen White, tái định nghĩa ý tưởng “sex sells” theo các tiêu chuẩn hiện đại. Bộ ảnh không chỉ tôn vinh tính chân thực và sự phá cách mà còn khẳng định vị thế ngày càng lớn của “ánh nhìn nữ giới” (female gaze) trong truyền thông hiện đại. Điều này cho thấy rằng sự nổi loạn và hỗn loạn có thể trở thành công cụ mạnh mẽ để thu hút sự chú ý và tạo nên tiếng vang trong thị trường.
Theo báo cáo, 59% nhà tiếp thị đã thử nghiệm những ý tưởng táo bạo, ví dụ như hợp tác với nhà sáng tạo gây tranh cãi hoặc sản xuất nội dung dễ gây phản hồi trái chiều. Kết quả cho thấy 98% trong số đó đạt được thành công hoặc ít nhất là kết quả trung lập. Điều này chứng minh rằng các thương hiệu nên sẵn sàng thử nghiệm những ý tưởng sáng tạo mang tính phá cách, đồng thời hợp tác với các influencer có cá tính mạnh mẽ, dám sống thật.
2. Người dùng mong muốn có những trải nghiệm nhẹ nhàng hơn trên không gian mạng
Trong thời đại mà cả thế giới số và đời thực đều trở nên quá tải, người dùng mong muốn các thương hiệu mang lại những trải nghiệm trực tuyến nhẹ nhàng, giúp họ giải tỏa áp lực hàng ngày. Các không gian trực tuyến không còn chỉ là nơi để cập nhật thông tin mà đã trở thành chốn “trú ẩn” để thư giãn và tái tạo năng lượng. Trong năm qua, những biểu tượng tích cực như Ayo Edebiri đã trở nên phổ biến trong thế hệ Gen Z. Đồng thời, các nền tảng "giảm stress tối đa" như Pinterest ghi nhận sự gia tăng đáng kể về số lượng người dùng.
Các nội dung tôn vinh việc chăm sóc bản thân, tìm kiếm những niềm vui nhỏ bé trong cuộc sống hàng ngày đang thu hút sự quan tâm lớn từ Gen Z. Điều này không chỉ giúp định hình văn hóa trực tuyến nhẹ nhàng hơn mà còn tạo ra những cộng đồng đầy cảm hứng. Với thương hiệu La Vie trong chiến dịch “Chút Yên Từ Thiên Nhiên”, thương hiệu đã tạo ra một không gian chữa lành trực tuyến lẫn trực tiếp cho các bạn trẻ, nhân viên văn phòng.
Từ đó, rút ra được rằng trong năm 2025 các thương hiệu nên tận dụng tính ngẫu nhiên, khai thác văn hóa mạng bằng cách sử dụng các công cụ lắng nghe xã hội và insights cộng đồng để tạo ra nội dung phù hợp, dễ lan tỏa. Đồng thời, hãy để không gian cho sự tự phát trong chiến lược nội dung và cộng tác với các creator truyền cảm hứng để lan tỏa năng lượng tích cực.
3. Sự trỗi dậy của cộng đồng fandom
Trong bối cảnh xã hội ngày càng phân mảnh, người dùng khao khát sự gắn kết và đang thúc đẩy một cộng đồng người dùng internet mang tính kết nối nhiều hơn. Điều này dẫn đến sự bùng nổ các fandom – nơi mọi người cảm thấy thuộc về một thứ gì đó lớn lao hơn chính họ. 61% nhà tiếp thị toàn cầu hiện đang tạo ra những trải nghiệm thân mật bằng cách giới hạn nội dung chỉ dành cho khách hàng hoặc các nhóm xã hội khép kín.
Thương hiệu nên nuôi dưỡng cộng đồng để tạo cảm giác gắn kết, đồng thời khai thác văn hóa sưu tầm để khuyến khích người dùng chia sẻ hành trình và kết nối với nhau. Khi xây dựng nội dung, cần tìm góc độ nhấn mạnh tinh thần đoàn kết.
Bên cạnh đó nhiều thương hiệu còn trực tiếp gắn liền sản phẩm của mình vào cộng đồng fandom. Cụ thể, trong chiến dịch “eyes. lips. face. fandom.” của e.l.f cosmetic, thương hiệu đã tôn vinh cộng đồng người hâm mộ và khuyến khích họ tự tin thể hiện những điều mà họ yêu thích. Từ đó, thương hiệu đã thành công trong việc xây dựng cộng người yêu thích thương hiệu, cũng như nuôi dưỡng một cộng đồng người hâm mộ.
Bước vào năm 2025, việc nuôi dưỡng cảm giác thuộc về cộng đồng sẽ trở thành yếu tố cốt lõi giúp các thương hiệu xây dựng lòng trung thành lâu dài với khách hàng. Bằng cách tạo ra những môi trường nơi mọi người cảm thấy thực sự được chào đón và gắn kết, thương hiệu có thể củng cố kết nối cảm xúc và khuyến khích sự gắn bó sâu sắc hơn.
4. Xu hướng tương tác thông qua phần bình luận
Ngày nay, có nhiều thương hiệu sử dụng đa dạng phương pháp để tiếp cận người tiêu dùng. Trong đó, một trong những xu hướng nổi bật đó chính là tham gia vào phần bình luận của các thương hiệu khác hoặc những nhà sáng tạo nội dung nhằm tăng độ nhận diện. Theo Hootsuite, 41% các doanh nghiệp đã chủ động áp dụng xu hướng này và lương tác tăng hơn 1,6 lần khi nhà sáng tạo nội dung gốc tương tác lại bình luận của các thương hiệu.
Điển hình trong xu hướng này đó chính là chiến dịch tái định vị thương hiệu của ví điện tử MoMo, thu hút nhiều thương hiệu nổi tiếng tham gia cùng trend "trợ thủ". Cụ thể, khi MoMo đăng tải hình ảnh phát động xu hướng trợ thủ thì đã có nhiều thương hiệu chủ động tham gia và tự định vị bản thân là một trợ thủ trong lĩnh vực của họ.
Bên cạnh đó Duolingo cũng là một cái tên thường xuyên xuất hiện trong những phần bình luận trên các video của nhiều thường hiệu lẫn người dùng trên TikTok để nhắc nhở người dùng truy cập ứng dụng để học ngoại ngữ hoặc đơn giản là tương tác với họ trên không gian mạng nhằm tăng độ nhận diện. Không chỉ nhắc nhở người dùng học ngoại ngữ, Duolingo còn gây ấn tượng mạnh mẽ với người dùng mạng xã hội khi sẵn sàng "cãi nhau" với nhiều thương hiệu khác.
Tuy nhiên, việc chủ động tham gia vào cuộc trò chuyện của các thương hiệu cũng cần phải lưu ý đến tính chiến lược của thương hiệu. Đồng thời, thương hiệu cũng cần có những lưu ý sau: bình luận sẽ giảm tương tác nếu bài đăng đã qua 24 giờ, bình luận không được quá dài cũng không được quá ngắn và bình luận có từ 10 đến 99 ký là những bình luận sẽ đạt được lượng tương tác tốt nhất.
5. AI trở thành công cụ đắc lực của các marketer
Ngoài các xu hướng trên, báo cáo từ Carat, dentsu X và iProspect cho rằng năm 2025 sẽ chứng kiến hệ thống truyền thông hoàn toàn tương tác, thương mại hóa và có trách nhiệm. Sự phát triển của AI không chỉ thay đổi cách thương hiệu tương tác mà còn tái định nghĩa giá trị chuỗi truyền thông.
Trong Khảo sát Xu hướng truyền thông xã hội Hootsuite 2025 và Khảo sát Xu hướng truyền thông xã hội Hootsuite 2024, các marketer đã bắt đầu sử dụng công nghệ AI cho một số công đoạn như: Chỉnh sửa video, viết nội dung,... nhằm tối ưu hoá thời gian. Bên cạnh đó, 83% marketer cho rằng generative AI có thể tạo ra nhiều nội dung hơn đáng kể so với khi không có công cụ AI.
Các thương hiệu cần sẵn sàng chuyển mình để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về một môi trường kỹ thuật số “sống được”. Điều này không chỉ tạo ra lợi thế cạnh tranh mà còn giúp xây dựng mối quan hệ sâu sắc với khán giả.
Năm 2025 mở ra một kỷ nguyên mới cho mạng xã hội, nơi người dùng ưu tiên sự chân thực, gắn kết và giá trị lâu dài. Các thương hiệu cần nhạy bén nắm bắt xu hướng như “embracing messiness”, xây dựng cộng đồng fandom và ứng dụng AI để tạo ra nội dung ý nghĩa, chạm đến cảm xúc của khách hàng. Đây chính là cơ hội để thương hiệu không chỉ thu hút sự chú ý mà còn xây dựng mối quan hệ bền vững với người tiêu dùng trong thế giới số đầy biến động.
Theo Kim Yến
Nguồn: Advertising Vietnam
Link:
https://advertisingvietnam.com/du-doan-5-xu-huong-social-media-dinh-hinh-nam-2025-xu-huong-tuong-tac-bang-binh-luan-dang-duoc-nhieu-thuong-hieu-ua-chuong-no-ro-xu-huong-embracing-messiness-tren-mang-xa-hoi-p25596